Giao lộ “Leng Keng” – Kết nối ký ức và hện tại

By :

Với ý tưởng về một giao lộ “leng keng”, tái hiện ký ức của người Hà Nội về những chuyến tàu điện khi xưa trên cơ sở kết nối với các tuyến tàu điện hiện đại của Thủ đô, tác giả Lê Trung Hiếu đã được trao tặng giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình” do Công đoàn Viên chức thành phố phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức. Tác giả Lê Trung Hiếu hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban kiêm Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Trong tác phẩm dự thi mang tên Ý tưởng để Hà Nội có một giao lộ “leng keng”, anh đã mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quan về hệ thống đường sắt đô thị từ xưa tới nay.Hà Nội đã có hệ thống đường sắt đô thị từ hơn một thế kỷ trước. Tiếng tàu điện “leng keng” đã đi vào ký ức, trở thành nỗi nhớ và tình yêu của biết bao thế hệ. Nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua, về hình ảnh những đoàn tàu nhuốm đầy bụi thời gian đó lại được khơi dậy trong mỗi người dân Hà Nội khi xem những thước phim tư liệu, những bức ảnh hoặc trong những tác phẩm nghệ thuật, tranh bích họa…

Với nhiều lý do, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố Hà Nội đã quyết định bỏ đi hệ thống đường sắt đô thị. Những thanh tà vẹt dần được bóc dỡ và chỉ còn trong hoài niệm của nhiều người.Những hình ảnh, hiện vật, thậm chí là tiếng “leng keng” tàu điện, cần một nơi để trưng bày, phục dựng, giới thiệu cho người dân và cả du khách khắp nơi khi đến với Hà Nội. Tàu điện Bờ Hồ – nét đẹp nao lòng của quá khứ cần một nơi để neo lại, một con đường để chạy xuyên qua thời gian, trường tồn cùng Thủ đô. Đó cũng là mục đích và ý nghĩa của ý tưởng tạo nên một giao lộ “leng keng”, nơi hoài niệm và hiện tại gặp nhau, đan xen, hòa quyện, tạo nên một bức tranh toàn cảnh đường sắt đô thị của Thủ đô. Giao lộ này có thể trở thành điểm nhấn văn hóa đặc sắc của Hà Nội.Nhiều thành phố trên thế giới đã tìm cách lưu giữ lại dấu tích cũ của tàu điện như toa tàu hay những cung đường ray nguyên gốc, để tô điểm thêm trong không gian mới. Ở nhiều quốc gia phát triển như Nga, Đức, Nhật Bản…, nhà ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp (thậm chí có thể là một bảo tàng văn hóa dưới lòng đất), vừa là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi cần thiết.Cùng với với những ký ức ngọt ngào của tiếng “leng keng” tàu điện, Hà Nội cũng đang dần hình thành những tuyến đường sắt đô thị mới. Với những tố chất khỏe khoắn, mạnh mẽ, ưu việt, đường sắt đô thị mới sẽ trở thành xương sống của mạng lưới vận tải công cộng trong thành phố. Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm, mang vẻ đẹp hiện đại đến cho Hà Nội.

Chính vì vậy, tác giả Lê Trung Hiếu cho rằng, việc tạo nên một giao lộ cảm xúc giữa tàu điện mặt đất trong quá khứ và tàu điện hiện đại hoàn toàn có thể thực hiện được với những điều kiện sẵn có, hạn chế tối đa chi phí đầu tư. Địa điểm lựa chọn xây dựng là ga hồ Hoàn Kiếm (ga C9) bởi đây là địa điểm mang nhiều ý nghĩa.

Nguồn: Nhịp sống Hà Nội – Báo Hà Nội Mới

1 1
Tranh bích họa “làm mới” khu tập thể cũ ở Hà Nội.
Gợi nhớ lại ký ức về tàu điện xưa tại khu tập thể Phụ nữ Trung ương.
2
Hình ảnh tại Triển lãm Tàu điện Hà Nội quá khứ và tương lai do nhóm Số hóa Hà Nội thực hiện gồm gần 50 bức tranh 3D tái hiện hình ảnh tàu điện Hà Nội trong quá khứ.
3
Mô hình toa tàu điện xuất hiện trên phố Đào Duy Từ, Hà Nội.
4
Hình ảnh tàu điện gợi lại ký ức đặc biệt trong tâm trí người Hà Nội qua tranh bích họa tại các ô vòm cầu đường sắt phố Phùng Hưng

Trả lời